Sử dụng phân bón khoa học để hồi sinh ‘vương quốc quýt hồng’
nongsanviet.nongnghiep.vn| Ngày 14/5/2023
Doanh nghiệp phân bón sẽ đồng hành cùng nông dân thực hiện mô hình sử dụng phân bón an toàn, tiết kiệm, góp phần khôi phục và bảo tồn ‘vương quốc quýt hồng’ Lai Vung.
Quýt hồng là loại cây đặc sản của huyện Lai Vung, tỉnh Ðồng Tháp. Đầu năm 2023, UBND huyện Lai Vung đã phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức rất thành công lễ hội quý hồng Lai Vung. Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, quýt hồng Lai Vung cho trái to, ít hạt, vỏ mỏng, màu sắc bắt mắt, mọng nước, thơm và có vị ngọt, chua nhẹ, hương vị đặc biệt ít nơi nào bì kịp.
Tuy nhiên từ năm 2019, dịch bệnh vàng lá thối rễ chết xanh trên cây có múi bùng phát, khiến quýt hồng Lai Vung rơi vào giai đoạn khủng hoảng. Từ diện tích hơn 2.000ha trong năm 2010, có thời điểm vùng quýt hồng Lai Vung chỉ còn khoảng hơn 200ha.
Trước bối cảnh đó, UBND tỉnh Ðồng Tháp đã có đề án “Bảo tồn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2021 – 2024” với mục tiêu khôi phục và phát triển bền vững cây quýt hồng. Đề án đưa ra 7 giải pháp thực hiện, bao gồm giải pháp về quy hoạch, khoa học công nghệ, đào tạo, tập huấn, thông tin – tuyên truyền, cơ giới hoá sản xuất, kỹ thuật canh tác, sản xuất và cung ứng giống, sản xuất, cung ứng phân hữu cơ.
Tham gia thực hiện đề án bảo tồn, khôi phục cây quýt hồng, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí Tây Nam Bộ đã liên kết với bà con nông dân ở huyện Lai Vung triển khai một số mô hình hình sử dụng phân bón an toàn, hiệu quả trong canh tác quýt hồng.
Thạc sĩ Phạm Quý Ninh, Phó Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí Tây Nam Bộ, đơn vị thành viên của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí) cho biết, mô hình đã liên kết với nông dân về sử dụng phân bón theo hướng an toàn, hiệu quả, qua đó đã đáp ứng được tiêu chí về sử dụng phân bón tiết kiệm cho bà con. Năng suất, chất lượng của trái quýt hồng cũng được cải thiện rất rõ.
“Thời gian qua, chúng tôi ghi nhận được các điểm nổi bật. Thứ nhất về lượng phân bón, bà con sử dụng đã khoa học, tiết kiệm đáng kể. Thứ hai là chi phí sản xuất của trái quýt hồng cũng giảm xuống so với cách sản xuất thông thường của bà con trước đây. Thứ ba là chất lượng của trái quýt hồng được cải thiện rất đáng kể về thẩm mỹ, độ ngọt, về kích thước trái”, ông Phạm Quý Ninh chia sẻ.
Cũng theo ông Ninh, doanh nghiệp và Cục Bảo vệ thực vật cũng đã thống nhất chương trình này sẽ tiến hành kéo dài trong khoảng từ 3 – 5 năm. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, địa phương nhiệt tình hợp tác, phía doanh nghiệp vẫn tiếp tục thực hiện thêm trong những năm tiếp theo. Bởi phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và ngành nông nghiệp địa phương để thực hiện mô hình doanh nghiệp rất yên tâm.
Nói về triển vọng của đề án khôi phục “vương quốc quýt hồng”, ông Ninh cho biết, doanh nghiệp là đơn vị cung cấp vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp nên rất quan tâm đến đề án. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ cung cấp phân bón đến tận các hợp tác xã (HTX), các hộ nông dân sản xuất lớn để tăng mối liên kết giữa doanh nghiệp với bà con nông dân. Qua đó, giúp cây quýt hồng phát triển ổn định theo khuyến cáo, quy trình chuẩn của địa phương. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể đưa những sản phẩm phân bón phục vụ bà con để hài hòa lợi ích hai bên.
“Chúng tôi mong muốn địa phương không chỉ phục hồi 200 hay 500ha, nếu điều kiện thuận lợi, tôi hi vọng địa phương có thể mở rộng thêm diện tích, phía Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí Tây Nam Bộ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đầu vào cho bà con nông dân trên đà phục hồi diện tích quýt hồng tại địa phương”, ông Phạm Quý Ninh thông tin.